Hà Nội

Hà Nội
Hà Nội trong cơn gió mênh mang và sự bình yên đến tĩnh lặng của mặt nước Hồ Gươm xanh ngắt một màu xanh huyền thoại thật đẹp và nên thơ. Tưởng chừng như chỉ một chiếc lá vàng rơi sự bình yên cũng sẽ vỡ òa ra dưới mặt đất khiến cho biết bao người phải ngẩn ngơ tiếc nuối về vẻ đẹp của một buổi bình minh đang lên trên những nóc nhà, góc phố... Khi những tia nắng ban mai bắt đầu lấp ló trên những mái nhà, trên cành cây ngọn cỏ, Hà Nội chợt bừng lên với những âm thanh và cảnh sắc của một ngày mới. Những mái ngói rêu phong, những bức tường lổ loang màu gạch cũ, những hè phố lô nhô còn thấm ướt sương đêm như hiện dần ra qua màn sương sớm đang lan tỏa trên phố phường.

Hà Nội, thành phố ở trong sông, nơi có con sông Hồng nghìn năm cuộn trào sóng đỏ để phù sa bồi đắp nên những ruộng vườn bờ thửa tạo nên nền văn minh lúa nước sông Hồng. Hà Nội phố xá đông vui nhưng cũng không kém phần cổ kính. Đây Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đào. Kia Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Đường, Hàng Lược… Ngược lên phía bờ đê Yên Phụ, đi xuôi ra mạn Quảng Bá, Nghi Tàm, đứng ở đó hướng mặt ra phía bờ sông Hồng lộng gió để tận hưởng cái không khí mát mẻ của buổi trưa hè và nghe trong hơi gió lùa có vị ngọt của phù sa. Ta cũng thấy đẹp đến nao lòng vì những bờ ngô, bãi lúa; dáng hiên ngang tựa thế rồng bay vắt mình qua dòng sông của cây cầu Long Biên.
Người ta nói, mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội; cái mùa đã khiến cho không biết bao nhiêu tâm hồn nghệ sĩ đã phải ngẩn ngơ vì nó. Mùa thu, những nẻo đường Hà Nội như rợp bóng lá vàng bay, hồ Tây mênh mông sóng nước, đường Nguyễn Du thơm nồng hoa sữa, phố Phan Đình Phùng hàng sấu biêng biếc xanh tươi, làng Nhật Tân muôn hoa khoe sắc, hương cốm làng Vòng dìu dịu trong chiếc lá sen non... Tất cả, tất cả như ùa vào lòng người làm rung lên những cung bậc cảm xúc lạ kỳ khó tả.
Cứ đi, đi giữa trời thu Hà Nội, giữa những con đường mang tên gọi đã thân quen. Đây Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phùng Hưng… những con đường mang tên các vị anh hùng kiệt xuất. Kia Nguyễn Du, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hồ Xuân Hương… và biết bao con phố nữa mang dấu ấn của một nền văn chương rực rỡ.Hà Nội xưa và nay như hoà vào nhau làm một trong từng đường nét kiến trúc, không gian. Nghệ thuật kiến trúc ở đây là sự giao hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa cái truyền thống và cái hiện đại. Ngày nay, người ta vẫn thấy ở đây những mái ngói thâm nâu mang dáng dấp thuần Việt nằm bên cạnh sự hào hoa lộng lẫy của những tòa nhà mang đường lối kiến trúc phương Tây có từ thế kỷ trước. Bên cạnh đó, những chung cư cao tầng, những tòa cao ốc sang trọng mang dấu ấn của thời kỳ hiện đại đang nhanh chóng mọc lên tạo nên hình ảnh về một Hà Nội trẻ trung tràn đầy sức sống.
Và Hà Nội càng lạ kỳ hơn khi người ta chợt bắt gặp giữa không gian của một thành phố ồn ào của thời kỳ hiện đại thấp thoáng những ngõ phố bình yên, những ngôi làng xưa cũ yên ắng như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm...
Người Hà Nội đã từ lâu nổi tiếng là hào hoa, thanh lịch và mến khách. Đặc biệt những cô gái Hà Nội với vẻ đẹp điển hình của người con gái xứ Bắc, làn da trắng, mái tóc đen dài, nụ cười ngời sáng, tiếng nói ngọt êm nghe chuẩn đến từng âm sắc
Đêm. Hà Nội như khoác lên mình chiếc áo mới. Gió mùa thu se lạnh, thành phố lặng yên, chỉ có tiếng lá khua xào xạc, tiếng chổi tre trên hè phố… và mùi hương hoa sữa thơm nồng giữa đêm khuya. Trên hè phố, ánh sáng của những ngọn đèn đường hắt ra dìu dịu trong màn sương đêm. Mùi thơm ngào ngạt từ bát phở nóng, từ tô cháo gà bốc khói vị hành răm, từ gắp chả nướng cháy lèo xèo trên lửa nóng, từ quả ngô vàng ươm đang nướng trên ngọn than hồng… toả ra từ những quán ăn đêm...














Các điểm đến hấp dẫn khi đi du lịch Hà Nội
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Vị trí: Số 66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Lưu giữ và trưng bày các tác phẩm, mỹ thuật có giá trị của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc của Việt Nam qua nhiều thế hệ. Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của Mỹ thuật Việt Nam.
Ngôi nhà 66 Nguyễn Thái Học từ ngày 26/6/1966 chính thức trở thành Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Có hai khối nhà chính dùng để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Hệ thống trưng bày được chia thành 5 phần chính:
- Mỹ thuật thời tiền sử - sơ sử, gồm các hiện vật từ thời đồ đá, đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt.
Giờ mở cửa: 8:30-17:00 vào các ngày trong tuần (trừ thứ 2), kể cả ngày lễ và Tết dương lịch; riêng Tết Nguyên Đán sẽ đóng cửa 4 ngày: 30, mồng 1, 2, 3. Thứ 4 và thứ 7 mở cửa từ 8:30-21:00.
Hướng dẫn khách tham quan bảo tàng bằng: Tiếng Việt, Anh, Pháp.
- Mỹ thuật cổ từ thế kỷ 11 - 19, thuộc các triều đại từ Lý, Trần, Lê đến Mạc, Tây Sơn và Nguyễn.
- Mỹ thuật thế kỷ 20, mỹ thuật cận đại (1925 - 1945) và hiện đại (1945 đến nay).
Bên cạch các sưu tập được trưng bày theo tiến trình lịch sử, tại đây còn giới thiệu 2 bộ sưu tập:
- Mỹ thuật dân gian.
- Nghệ thuật gốm Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật là một kho báu của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một địa chỉ văn hoá hấp dẫn du khách bốn phương.

Đền Ngọc Sơn
Vị trí: Nằm trên đảo Ngọc Sơn thuộc hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Tuy là một ngôi đền kiến trúc mới xong đền Ngọc Sơn lại là một điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc.

Công viên nước Hồ Tây
Vị trí: Quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ðặc điểm:Công viên nước Hồ Tây là khu vui chơi giải trí hiện đại và hấp dẫn nhất của Hà Nội.
Công viên nước Hồ Tây có diện tích 35.560m² chia thành 5 khu vui chơi, gồm các hạng mục: bẩy đường ống trượt với độ cao trung bình là 12m kể từ tháp tiếp nhận... Trong đó phải kể đến hai đường trượt cao tốc, độ cao 14,5m lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam. Bể tạo sáu loại sóng, tối đa là 1,2m, độ sâu tối đa là 3m dành cho những người thích cảm giác mạnh như dây đu tử thần, cầu treo Tây Tạng. Bể mát xa (bể sủi) có độ sâu 0,6m tạo cảm giác thư thái dễ chịu. Bể lặn có độ sâu 3,5m dành cho những người thích mạo hiểm, cũng tại đây có thể tập lặn bằng khí tài hoặc chơi nhảy cầu. Dành cho trẻ em có bể vầy, các đường trượt mini, các trò chơi dưới nước; dòng sông trôi có chiều dài 450m, rộng 4,5m chảy dưới năm cây cầu.
Công viên Vầng Trăng nằm liền kề khu công viên nước. Ngồi trên đu quay ở độ cao 60m, bạn có thể thư giãn và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. ở đây còn có phòng chiếu phim không gian ba chiều, các trò chơi điện tử thế hệ mới, siêu thị, khu thể thao liên hoàn với các sân tennis, cầu lông, bóng bàn, phòng bi-a, hồ câu cá, sân golf mini cùng các cụm trò chơi đĩa quay, ô tô, tàu cao tốc.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Vị trí: Đường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ðặc điểm: Văn Miếu được xây dựng tháng 10 năm 1070, thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Năm 1076, nhà Quốc Tử Giám được xây kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi trong thiên hạ.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Vị trí: Số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm:- Nơi trưng bày, gìn giữ bảo quản các tài liệu, hiện vật giới thiệu vai trò, thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của dân tộc.
- Là nơi giao lưu văn hoá giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khánh thành ngày 20/10/1995 nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không chỉ là nơi nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản quí giá của Phụ nữ Việt Nam mà còn là trung tâm hoạt động giao lưu văn hoá của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vi mục tiêu Bình đẳng - Phát triển và Hoà bình.
Với diện tích trưng bày khoảng 1.200m² trong hai khối nhà lớn liên hoàn, bảo tàng giới thiệu 5 chuyên đề: - Phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ.
- Nét văn hoá của phụ nữ Việt Nam qua những sản phẩm thủ công truyền thống.
- Trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam.
Gian đầu tiên là bức tượng "Mẹ Việt Nam dát vàng, cao 3,6m, do nghệ sĩ Phú Cường thực hiện. Hình ảnh người mẹ khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống, dịu dàng và nhân hậu. Bàn tay phải của bà mở rộng thể hiện sự vượt qua mọi thử thách khó khăn; tay trái nâng một em bé hai tay đang vươn về phía trước. Trên trần nhà được bố trí những chùm đèn trắng thể hiện cho dòng sữa mẹ, một nguồn sống bất tận nuôi bao thế hệ. Bức tượng là biểu tượng cho sức mạnh, vẻ đẹp và khát vọng cuộc sống của phụ nữ Việt Nam...
Từ khi mở cửa đến nay bảo tàng Phụ nữ đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh
Vị trí: Số 3 Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Lưu giữ hiện vật, hình ảnh, phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.
Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm ở khu vực quảng trường Ba Ðình, bên cạnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng khánh thành ngày 19/5/1990 nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ mở cửa:
Mở cửa các ngày trong tuần trừ thứ Hai và thứ Sáu:
Sáng: 8:00 đến 11:00
Chiều: 13:30 đến 16:30
Ðây là tòa nhà cao 20,5m gồm 4 tầng với tổng diện tích sử dụng là 10.000m². Công trình được thiết kế như một bông hoa sen nở, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, trong sáng của Hồ Chủ tịch.
Phần trưng bày của Bảo tàng rộng gần 4.000m2 giới thiệu hơn 117.274 hiện vật gốc, hình ảnh phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay. Tại bảo tàng còn có khu triển lãm, các kho lưu trữ, thư viện chuyên đề, hội trường lớn, các hội trường vừa và nhỏ phục vụ tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt khoa học và văn hóa.
Từ ngày mở cửa, bảo tàng đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

Làng nghề kim hoàn Đình Công
Vị trí: Nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Làng Định Công còn được gọi là Định Công kim hoàn.
Tên làng đã mách bảo về nghề chạm vàng bạc nổi tiếng ở đây. Câu chuyện về tổ nghề chạm vàng bạc có liên quan đến ba anh em họ Trần (sinh thời khoảng năm 571-603) từ lâu đã đi vào tiềm thức và lòng tự hào của mỗi người dân làng đồng thời nhắc nhở các thế hệ thợ nghề luôn nhớ về cái nôi ban đầu của nghề chạm vàng bạc.

Làng Vòng
Vị trí: Thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 8km về phía tây bắc.
Đặc điểm: Làng Vòng gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon.
Về Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”.
Du lịch Hà Nội - Nhà cổ Hà Nội
Vị trí: Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Khu phố cổ Hà Nội được gọi bằng một cái tên rất thân thương là "Hà Nội 36 phố phường". Mỗi tên phố thường mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống.

Chùa Lý Quốc Sư
Vị trí: Số 50 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Chùa được xây cất từ năm 1131 và gọi là “Lý Quốc Sư Tự”.
Chùa trước đây được gọi là đền bởi nơi đây thờ thiền sư Nguyễn Minh Không - người đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông. Ông được phong làm quốc sư và được triều đình phong ấp ở làng Tiên Thị. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ gọi là "Lý Quốc Sư Tự". Năm 1932, thiền sư Nguyễn Văn Định trụ trì đã bài trí thêm tượng Phật nên đền được gọi là chùa từ đó.
Chùa có qui hoạch tương đối gọn gồm cổng tam quan, phương đình, hai dãy dải vũ và nhà thờ mẫu. Các kiến trúc này tuy mới được trùng tu vào năm 1954 nhưng vẫn giữ được tính cổ truyền trong phong cách kiến trúc và nghệ thuật.
Chùa hiện nay lưu giữ nhiều di vật có giá trị nhưng nổi bật nhất là trụ đá "Long Nữ thiên tài" được tạc bằng đá trên cột cao 3m, có trang trí các hoa sen, hoa cúc dây, hoa thị, lá đề…vòng quanh cột. Nhóm tượng có cấu trúc khác lạ mang dấu ấn phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ 18.

Bảo tàng Cách mạng
Vị trí: Số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm: Giới thiệu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ (từ giữa thế kỷ 19 đến 1975). Giới thiệu công cuộc xây dựng và bảo vệ nước cộng hoà XHCN Việt Nam.
Giờ mở cửa: Vào các ngày trong tuần và ngày lễ; trừ thứ hai.
Sáng: 8:00 - 11:45
Chiều: 13:30 - 16:15
Bảo tàng Cách mạng được thành lập tháng 1/1959 có 29 phòng trưng bày hơn 4 vạn hiện vật. Tại đây, giới thiệu tổng hợp về đất nước và con người Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 tới nay. Hệ thống trưng bày chia làm 3 phần chính:
- Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam, từ năm 1858 đến 1945 (phòng 1 đến 9).
- Ba mươi năm kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước từ năm 1945 đến 1975 (từ phòng 10 đến 24).
- Việt Nam xây dựng kinh tế từ 1976 đến nay. Cũng tại đây được trưng bày các bộ sưu tập về Kinh tế Việt Nam sau năm 1975 (phòng số 26 và 27); Bộ sưu tầm tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam (phòng số 28 và 29).
Đặc biệt, Bảo tàng Cách mạng còn có một kho lưu trữ hàng trăm ngàn hiện vật, tư liệu quý khác về Cách mạng Việt Nam từ năm 1858 đến nay mà chưa có điều kiện trưng bày.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Vị trí: Ðường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ðặc điểm: Lưu giữ các hiện vật, tài liệu phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán của 54 dân tộc trên khắp cả nước.
Nằm trên một khu đất rộng 3ha, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khai trương vào cuối năm 1997. Ngay từ khi ra đời, nơi đây đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu văn hoá, dân tộc học trong nước và quốc tế.
Bảo tàng Dân tộc học lưu giữ 10.000 hiện vật, 15.000 ảnh đen trắng, hàng trăm băng video, băng cát-sét phản ánh mọi mặt đời sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của 54 dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam.

Chùa Một Cột
Vị trí: Phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Chùa có kiến trúc độc đáo, được tạo dáng như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên.
Chùa Một Cột có tên chữ là Diên Hựu (phúc lành dài lâu) được xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền khi ấy vua Lý Thái Tông đã cao tuổi mà chưa có con trai nên nhà vua thường đến các chùa để cầu tự. Một đêm ông chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện lên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm.
Đây là một công trình kiến trúc sáng tạo kết hợp không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp gồm điêu khắc đá, hội hoạ, chạm vẽ hành lang, mặt nước là biểu tượng văn hoá, nghệ thuật cao, tính dân tộc đậm nét. Chùa đã bị huỷ hoại, xây dựng lại nhỏ hơn so với nguyên mẫu, nhắc lại ở đây một thời đã có một cụm kiến trúc độc đáo.
Hiện nay chùa Một Cột được khách thập phương trong và ngoài nước tới cầu nguyện và tham quan.

Hồ Hoàn Kiếm
Vị trí: Thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Ðặc điểm: Hồ Hoàn Kiếm được coi là hòn ngọc của Thủ đô, hay như du khách nước ngoài gọi là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố".
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một nơi hóng gió, dạo mát mà còn gắn liền với đời sống người dân Thủ đô về nhiều phương diện. Đêm giao thừa, người người nô nức du xuân quanh hồ. Xuân về, hồ là nơi gặp gỡ của thiện nam tín nữ đi lễ các đền chùa lân cận. Các đôi uyên ương trong ngày cưới tìm đến bên hồ để chụp ảnh lưu niệm. Hè đến, những buổi chiều oi bức, hồ là địa điểm hóng mát lý tưởng.
Ai đã từng một lần ngắm hồ từ trên cao vào đầu hạ sẽ không khỏi thảng thốt trước bức tranh đầy màu sắc và nên thơ của những cây bằng lăng tím rạng rỡ xen giữa những phượng cháy đỏ rực, những cơm nguội chín vàng. Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một thắng cảnh đẹp với những rặng liễu rủ bên bờ, những tàng cây ngả xuống vòng tay ôm lấy mặt nước hồ biếc xanh màu ngọc lấp lánh nắng vàng mà còn là nơi nhân dân thủ đô lui tới để xem pháo hoa nhân những ngày hội lớn của dân tộc như 19/8 và 2/9.
Những di tích lịch sử độc đáo như tháp Rùa, tượng vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, đài Nghiên, tháp Bút, đền Bà Kiệu, chùa Bà Đá... và những công trình kiến trúc hiện đại mới được xây dựng luôn đảm bảo kết hợp hài hòa với cảnh quan vốn có quanh hồ. Hồ Hoàn Kiếm với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và tháp Rùa lung linh bóng nước là hình ảnh của thủ đô Hà Nội trong mỗi trái tim người Việt Nam.

Làng gốm Bát Tràng
Vị trí: Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông – nam.
Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với tư cách một làng nghề khoảng hơn 500 năm nay.
Ðến Bát Tràng hôm nay, ít có ai ngờ có một thời nghề gốm sứ nơi đây đã có cơ mai một, cả làng chỉ còn vài lò gốm của HTX với sản phẩm đa dạng như bát, tích, chén, sành phẩm chất cấp thấp. Ðể có sức sống đầy xuân sắc hôm nay, người Bát Tràng ngoài cái tinh, cái nhạy còn tiềm ẩn một tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bằng lòng yêu nghề và sự miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt để phục chế các nước men gốm sứ Bát Tràng xưa. Những thành quả lao động sáng tạo của lớp nghệ nhân già cùng sức trẻ của Bát Tràng đã làm nên một thế giới đa dạng, sống động lấp lánh sắc màu từ nắm đất quê hương.
Tháng 10/2004 chợ gốm Bát Tràng bao gồm các gian hàng của gần 1000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gốm tiêu dùng đã được khai trương trên khuôn viên rộng hơn 5.000m² của công ty Cổ phần Gốm sứ Bát Tràng. Không chỉ là nơi trưng bày và tổ chức các cuộc giao thương, người dân Bát Tràng hy vọng chợ gốm sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và sẽ nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô Hà Nội.

Quảng trường Ba Đình
Vị trí: Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô và cả nước.
Nơi đây vốn là khu vực cửa Tây của thành Hà Nội cổ. Đầu thời Pháp thuộc, thực dân Pháp phá thành làm một vườn hoa nhỏ gọi là điểm tròn Pugininer. Đến năm1945 mới có tên là vườn hoa Ba Đình. Chữ Ba Đình là để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hoá, nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ 9/1886 đến 1/1887.
Quảng trường cũng là nơi chứng kiến hàng chục vạn đồng bào về dự lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Ngày 9/9/1969, sáu ngày sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, cũng tại quảng trường này, lễ truy điệu Người đã được cử hành trọng thể. Hàng vạn đồng bào Thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ.
Ngày nay mặt chính của quảng trường là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lăng là khoảng không gian rộng lớn với 320m chiều dài và 100m chiều rộng, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường có 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi. Chính giữa là cột cờ cao 30m. Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội.

Chùa non nước
Vị trí: Chùa Non Nước nằm trong quần thể khu di tích Ðền Sóc thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đặc điểm: Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh và những xóm làng trù phú.
Theo Thuyền Uyển Tập Anh và Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa Non Nước tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, ông được vua Ðinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại sư. Ðó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư.
Năm 2001 chùa Non Nước đã đúc tượng Phật tổ bằng đồng liền khối cao 6,5m nặng 30 tấn. Đây là pho đại phật tượng liền khối lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2004 cũng tại nơi địa linh khí tú này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng cử hành đại lễ khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam, trung tâm đào tạo tăng tài cho đất nước.

Nhà hát lớn Hà Nội
Vị trí: Đường Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm: Ðược khởi dựng từ năm 1901, hoàn thành năm 1911, do kiến trúc sư Broger và Harloy thiết kế, đây là nhà hát đầu tiên ở Hà Nội, được xây dựng với qui mô lớn, công phu, mỹ thuật mang phong cách các nhà hát châu Âu đương thời.
Chừng một thế kỷ đã qua, nhà hát đã tổ chức không biết bao nhiêu buổi trình diễn nghệ thuật ở trình độ cao. Những năm giữa thế kỷ 20, tại đây đã diễn ra các sự kiện chính trị, cách mạng quan trọng.
Tại quảng trường "Cách mạng Tháng Tám" trước nhà hát lớn, ngày 19/8/1945 đã diễn ra cuộc mít tinh của hàng chục vạn quần chúng giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội.

Chợ Đồng Xuân
Vị trí: Thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Ðặc điểm: Không chỉ là một trung tâm buôn bán lớn của Hà Nội và của Việt Nam, chợ Đồng Xuân còn là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách thập phương.
Trong số hàng chục chợ ở Thủ đô, từ chợ Mơ, chợ Hôm đến chợ Cửa Nam, chợ Ngọc Hà... thì chợ Ðồng Xuân là lớn nhất. Chợ ra đời từ năm 1889 trên địa phận phường Ðồng Xuân cũ. Ban đầu chợ họp ngoài trời, sau được xây thành chợ với năm cầu chợ khung sắt, lợp kẽm lá, cầu nào cũng dài 52m, cao 19m.
Nằm cạnh ga đầu cầu Long Biên, lại ở ngay sát sông Hồng, chợ Ðồng Xuân là điểm thuận lợi để hàng hoá bốn phương dồn về đây cũng như từ đây toả đi các nơi. Ở chợ Đồng Xuân hầu như có đủ tất cả các mặt hàng phục vụ đời sống và sản xuất đồng thời nó là chợ bán buôn lớn nhất miền Bắc.
Ngày nay chợ Ðồng Xuân được xây dựng lại với qui mô lớn hơn gồm 3 tầng khang trang, rộng rãi nhưng vẫn giữ lại một phần kiến trúc mặt tiền của chợ cũ.

Hồ Trúc Bạch
Vị trí: Thuộc quận Ba Đình, phía tây bắc trung tâm thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Hồ Trúc Bạch là một thắng cảnh của Hà Nội, nằm kề hồ Tây, cách nhau con đường Thanh Niên rợp mát bóng cây, bốn mùa đều hấp dẫn mọi người đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi.
Du lịch Hà Nội - Thành Cổ Loa
Vị trí: Thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Ðặc điểm: Là một trong những thành cổ nhất Việt Nam.
Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
Vị trí: Quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Lăng được chính thức khởi công ngày 2/9/1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Ðình, nơi Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn.
Lăng được khánh thành vào ngày 29/8/1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp.
Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín.
Trong lăng là thi hài Bác đặt trong hòm kính được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Qua lớp kính trong suốt, Bác Hồ yên nghỉ trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su giản dị của người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đền Quán Thánh
Vị trí: Phường Quan Thánh, gần hồ Tây, quận Ba Ðình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Đây là một di tích lịch sử văn hoá được xây dựng từ thế kỷ 11.

Nhà thờ lớn Hà Nội
Vị trí: Số 40, phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm: Ðược xây dựng trên khu đất vốn là nền của tòa tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long thời Lý (thế kỷ 11 - 12).
Nhà thờ lớn Hà Nội (còn có tên là Nhà thờ Xanh Giô-dép) khánh thành vào lễ Giáng sinh năm 1887, sau hai năm xây dựng theo thiết kế mô phỏng kiểu kiến trúc Nhà thờ Ðức Bà ở Paris của Pháp.
Ðây là nơi tiến hành các lễ trọng của Công giáo và thường tổ chức lễ rước Thánh Quan Thầy của giáo phận Hà Nội là Giu-se vào ngày 19/3 hàng năm.

Chùa Kim Liên
Vị trí: Chùa ở làng Nghi Tàm,phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ðặc điểm:Chùa được xây dựng từ thế kỷ 13 với kiến trúc độc đáo. Chùa thờ Phật và công chúa Từ Hoa.

Nhà sàn Bác Hồ
Vị trí: Nằm trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Ðặc điểm: Đây là ngôi nhà Bác ở và làm việc từ năm 1958 đến khi qua đời.
Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Ðó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 cho tới khi Người qua đời. Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác năm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vân Du, Xã Ðoài; quýt Hương Cầm, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Ðông Mỹ; hồng Tiên Ðiền. Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngàn hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê...

Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là 2 phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.Nhân dân ta từ mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế đến thủ đô Hà Nội, ai cũng muốn đến viếng Lăng, thăm nhà ở của Bác và đi dạo quanh quảng trường Ba Ðình lịch sử.

Các lưu ý khi đi du lịch Hà Nội

Thời điểm tốt nhất du lịch Hà Nội

Hà Nội có khí hậu đặc trưng của Bắc Bộ, nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều vào mùa hè, mưa ít, lạnh và hanh khô vào mùa đông. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa. Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa đông, thời tiết khô ráo, có khi rét đậm.
Thời điểm thích hợp nhất để đến du lịch Hà Nội là vào mùa thu, từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 11. Lúc này tiết trời mát mẻ, dần chuyển qua khô, đôi khi có những cơn mưa nhẹ làm không gian thoáng đãng, không có nắng chói chang. Mùa thu Hà Nội đã đi vào trong nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc...

Lưu ý khác
Du lịch Hà Nội vào mùa hè nên chọn trang phục gọn nhẹ, thấm mồ hôi vì thời tiết lúc đó rất nóng bức. Ngược lại nếu đến Hà Nội vào mùa đông nên mang theo áo khoác, trang phục lạnh vì nhiệt độ có khi xuống dưới 10 độ.
Vào thăm lăng chủ tịch Hồ Chí Minh hay các đền chùa nên mặc trang phục kín đáo, không mặc váy ngắn, quần short...
Những con đường phố Cổ Hà Nội khá nhỏ và lắt léo, khi đi thăm quan những con phố này bạn nên mang theo một tấm bản đồ
Khi mua sắm tại những khu chợ bạn nên trả giá, người bán hàng tại Hà Nội nhiều khi khó tính và không được lịch sự bởi thế nếu bạn chỉ có ý định xem mà không mua thì nên đi vào buổi chiều. Khi trả giá cũng đừng nên trả giá quá gay gắt, hay chỉ trả một giá rồi đi, tốt nhất nên trả giá lần một, rồi thêm lên một chút, dù có không mua được món đồ cũng nên mỉm cười và cảm ơn người bán hàng. Nói với họ bạn muốn đi xem thêm các hàng hóa khác trước khi quyết định có mua hay không.
Người Hà Nội thường không hay ra đường sau 11g khuya, đường phố Hà Nội sau 12g khuya thường rất vắng vẻ, các hàng quán đóng cửa và an ninh cũng không được đảm bảo. Nếu bạn là khách du lịch, tốt nhất không nên ra đường thời gian này.

UniViet kính chúc Quý khách có một tour du lịch Hà Nội thú vị!